Cờ Caro – sống chết trong khoảng khắc

Tóm lại là mình thích cờ Caro, nó như môn đấu kiếm, một sai lầm nhỏ có thể dẫn tới cái chết. Với cờ Vua hay cờ Tướng, một sai lầm nhỏ không khiến bạn chết được. Chơi cờ Tướng bạn giống như tướng lĩnh điều khiển quân đội, chơi cờ Caro bạn giống như đánh giáp lá cà, một chọi một. Cờ Caro thường mất khoảng 5 phút một ván, lâu thì 10 phút – rất nhanh so với loại cờ khác. Mình không thích chơi Tú hay các môn liên quan đến bài bạc, vì nó chứa yếu tố may mắn khá nhiều, không hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực cá nhân… Vì phụ thuộc vào khoảng khắc, cờ Caro cần chơi với độ tỉnh táo và tập trung liên tục, chơi cái này tâm lý rất quan trọng, càng muốn thắng thì càng dễ thua, còn phòng thủ chặt quá có thể không thua nhưng cũng không thắng được. Do vậy người ta phải cố gắng tìm ra điểm dung hòa giữa tấn công và phòng thủ để vừa đủ có khả năng chiến thắng nhưng cũng phải giữ lại mảnh đất phòng ngự tránh đòn hiểm từ đối phương, khó ở chỗ – cái điểm dung hòa này tùy đối thủ mà lượng, chứ không phải ai cũng giống ai.

Nếu là kẻ đi sau những nước đầu vô cùng quan trọng, vì người đi trước thường tấn công, đỡ không khéo là hở sườn ngay. Sau cơn giông bão lúc đầu qua đi, đối thủ thường bí nước, đây là cơ hội phản công. Phản công có thể dựa vào những nước đã đi trong khi phòng ngự, hoặc tìm kiếm mảnh đất mới. Tìm mảnh đất mới là một đòn tâm lý khá hay, vì thường đối thủ sẽ không chạy theo chặn ngay – nguyên nhân là vì lòng kiêu ngạo của họ (nếu là vậy mình sẽ thắng) hoặc vì họ vẫn thấy khả năng từ những nước họ đã đánh (nếu vậy có khả năng mình thua).

–tiếp tục cập nhật–

Google khó có thể thành công với mạng xã hội mới

Tôi tin rằng Google không bao giờ có được thành công với mạng xã hội Google + như cách mà Facebook thành công – ít nhất là ở Việt Nam, mà với tôi nguyên nhân lớn không phải về vấn đề kỹ thuật. Về chất lượng dịch vụ, với một công ty có nhiều tiền bạc, kinh nghiệm và kỹ sư tài năng như Google, tạo ra một mạng xã hội có những tính năng như Facebook không khó, về độ nổi tiếng thì khỏi phải bàn, Google nằm trong các thương hiệu nổi tiếng nhất trên mạng lưới internet toàn cầu. Thế cái gì làm tôi tin rằng Google không thể thành công?

Bản thân tôi dùng Google để tìm kiếm, xem bản đồ thì Google map, xem clip thì Youtube, Email là Gmail, trình duyệt web là Google Chrome. Thực tình nhiều người cũng giống tôi, bị bao vây bởi các sản phẩm của Google – đơn giản vì chất lượng dịch vụ của họ quá tốt, rất phổ biến, tích hợp các dịch vụ với nhau nên sử dụng tiện lợi, đồng bộ hóa…Trong trường hợp như thế này, bạn sẽ khoái dùng sản phẩm nào đó không phải của Google mà vẫn đảm bảo chất lượng, Facebook đảm bảo điều đó, nó là mạng xã hội mạnh nhất, có tính quốc tế, phổ biến toàn cầu, hơn nữa nó ra đời trước Google, người ta không muốn bỏ Facebook quen thuộc để đến với Google – vì nếu bạn đến sau mà muốn người ta để ý đến mình, bạn phải thực sự nổi trội hơn người khác.

Nếu mạng xã hội cũng thuộc về Google, tôi cảm thấy toàn bộ cuộc sống cá nhân của mình nằm trong tay ông lớn này, tôi không thích điều đó, nhiều người cũng không thích điều đó. Nhưng Google chắc chắn sẽ không từ bỏ, bởi vì đây là mảnh đất quá hấp dẫn – nó bằng cách nào đó phải làm cho mọi người nghĩ rằng, Google không bao vây cuộc sống của họ mà chỉ hỗ trợ họ trong cuộc sống – sao nó không bỏ tính năng quảng cáo trong Gmail đi nhỉ – người dùng sẽ cảm thấy dễ chịu hơn – tôi thấy quảng cáo dựa vào quét email là một trong những sai lầm nghiêm trọng nhất về quyền riêng tư của Google, đơn giản là vì email chứa những thông tin rất cá nhân mà bạn không hề muốn ai đọc nó, dù chỉ là cái máy.

Chương trình – phần mềm hay dùng – 16/9/2012

Tính đến ngày 16/9/2012.
Hệ điều hành: Windows 7
Xem clip: Youtube
Tìm kiếm: Google.com.vn
Email: Gmail – Google email
Báo chung: Vnexpress.net
Báo công nghệ: Thongtincongnghe.com
Mạng xã hội: Facebook.com
Chat: Yahoo Messenger
Chơi Game: Zing play
Nghe nhạc: Zing, nhaccuatui.com
Xem phim: Megafun.vn
Diệt Virus: Avira
Gõ tiếng Việt: Unikey
Trình duyệt Web: Google Chorme (chủ yếu), FireFox (ít), Opera (trước có dùng – giờ rất ít), IE thì thành đồ cổ mất rồi
Hỗ trợ download: Orbit
Nén file: Winrar, 7zip (ít dùng)
Phần mềm xem phim, nghe nhạc: Windows Media player, Media player Classic 321
Vượt tường lửa: Hotspot shield launch
Đọc file PDF: Foxit Reader
Từ điển: eDict (BKAV)
Blog: WordPress 🙂

Wikipedia – miễn phí và tốt

Wikipedia là từ điển bách khoa toàn thư mở, hoạt động theo mô hình tự do đóng góp, các bài viết ở đây tương đối chất lượng. Nó thực sự miễn phí và là một trong những trang web hữu ích nhất thế giới. Mô hình của nó rất đáng học tập, người ta vẫn cần phí để duy trì các máy chủ web và các hoạt động cơ bản khác, thế nhưng việc đóng số tiền này là hoàn toàn tự nguyện, nếu bạn có điều kiện và yêu thích trang web này thì bạn có thể bỏ ra số tiền nào đó… Các bài viết trên này cũng vậy, tự nguyện và tự do sửa chữa miễn là tuân thủ nguyên tắc chất lượng. Bỗng dưng tôi nghĩ đến Wikipedia vì nó nhắc tôi tới một cái miễn phí và tốt. Điều gì đem lại sức mạnh lớn đến vậy cho trang web này, câu trả lời đó chính là tính mở và dựa vào cộng đồng. Khi bạn viết bài là bạn đã đóng góp một thứ tài sản đa sở hữu, bỗng dưng bài viết của bạn có thể xem được bởi bất kỳ ai trên hành tinh này (vâng dĩ nhiên là họ phải có một thiết bị nối mạng nữa :))

Không khó (?)

Có khó để sống vui vẻ không? Thật nghịch lý là mình vui vẻ lại khó hơn mình đau khổ. Vui vẻ là tự nhiên nhưng giờ nó lại trở thành điều hiếm thấy, kỳ lạ nhưng đấy là sự thật. Đau khổ trở thành tự nhiên đến mức nó như là mặc định vậy (!!!) Cái gì đã rơi khỏi bàn tay mình?

Tận hưởng cuộc sống đã biến mất, thay vào đó là tranh đấu, vất vả, mệt và luôn thèm khát, nữa…

Không phải là cuộc sống không khó khăn, vâng, nó có khó khăn, nhưng đa phần khó khăn của nó là đơn giản – dễ giải quyết, vì nhu cầu của con người là đơn giản. Những ý tưởng mới phức tạp. Chính nhữ ý nghĩ thúc đẩy để vượt thoát nhu cầu rồi trở thành tham muốn mới đẩy con người vào chỗ khốn.

Nhưng liệu có phải thế không? Mọi thứ đơn giản thế không?

Giác quan – thèm muốn – thỏa mãn – chán nản

Con người có 5 giác quan là thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác. Cái để nhìn, cái để nghe, cái để ngửi, cái để nếm và cuối cùng cái để cảm nhận xúc chạm nóng lạnh, mạnh nhẹ…Đây là 5 nguồn thông tin mà con người sử dụng để nhận biết – phản ứng với thế giới bên ngoài và phần nào đó là cả thế giới vật lý của cái tôi.

Cảm giác có 3 kiểu, thích, khó chịu, và không thích cũng không khó chịu. Ví dụ khát gây khó chịu – uống cốc nước mát thì dễ chịu, nhìn ánh nắng chói chang khó chịu, ánh sáng dịu êm của một ngày đẹp trời lại dễ chịu, gặp người ưa thích thì thấy dễ chịu mà gặp người ghét thì trong lòng khó chịu. Có cả khó chịu về mặt vật lý, và khó chịu về mặt tâm lý. Khó chịu về mặt vật lý ít nhiều giống nhau, ngược lại về mặt tâm lý thì có nhiều dị biệt, bởi vì, dù sao tâm lý có tính cá nhân nhiều hơn.

Cảm nhận dễ chịu tạo ra sự thèm muốn lặp lại nó – tái diễn cảm giác đó trong tương lai, cái này là động cơ.

Khi đạt được thèm muốn có cảm giác thỏa mãn – đồng thời điều này củng cố thêm khao khát.

Khi không đạt được mong ước thì chán nản, buồn, thất vọng, u sầu, nằm bệt, khóc lóc…

Nhu cầu của cơ thể đơn giản chỉ là thức ăn – chỗ ở – người yêu. Ham muốn của tâm trí phức tạp hơn – giả dụ, trở thành người giàu có nhất thành phố, lấy được người đẹp nhất.

Mãi không chán sao?

Đời mình vẫn thế, chưa có gì thay đổi cả, vẫn vớ vẩn và lẩn thẩn. 25 năm qua, nhiều sai lầm rồi, ôi thôi thì tự dối lòng mình là làm người mà, ai chả vậy, phải sai lầm thì mới đứng dậy được chứ (!). Suy cho cùng thì vấn đề nằm ở đâu (???)

Chắc chắn là mình chả biết rồi, nếu biết thì đã sửa (!) Chốt hạ lại cái cảm giác thường nhật là vội vã, bất an và căng thẳng.

Rồi, khi ở đây mình tự hỏi, có cách sống nào tốt hơn chăng (?)

Ồ, thì vẫn biết có cách chứ, có cách khác, nhưng sao vẫn chả kịp nhỉ, một cái gì dối lừa ghê gớm đang hiện hữu chẳng, làm mình mù mờ từ đầu đến cuối, chả rõ nên bắt đầu từ đâu.

Sống hạnh phúc như thế nào

Thực ra đến thời điểm này tôi cũng không hạnh phúc gì cho lắm! có gì đặc biệt đâu – mọi người đều có vẻ thế mà – sao không cứ yên ổn đi mà sống.

Hix, nhưng mà đã không cảm thấy thoải mái thì sao yên ổn cho được, phải tìm cách mà thoải mái chứ, rõ ràng là nếu một cách sống không đem lại hạnh phúc, chúng ta nên tìm cách thay đổi phải không? sao phải hèn nhát – nỗ lực là đáng giá.

…Nhưng làm thế nào đây?

Có vẻ càng muốn hạnh phúc thì càng đau khổ! một quy luật khá hài hước, nhưng mà nếu quan sát kỹ một chút thì nó lại đúng đấy! Chúng ta đạt được cái này cái kia, và trong lòng vẫn cứ thiếu thiếu, chúng ta trước đó nghĩ rằng, mình sẽ tốt hơn nếu làm được cái đó, có được cái đó, nhưng mà đó chỉ là trước đó thôi, nếu chúng ta thành công, chúng ta lại hướng đến cái khác.

…Nhưng có gì sai?

Có gì sai nếu tôi cứ đuổi bắt và cố đạt cho được những mong muốn tầng tầng lớp lớp của mình – kinh nghiệm của tôi là thế này – nó sẽ làm bạn quá tải. Nó giống như việc bạn tập tạ 10 tiếng đồng hồ một ngày – bạn sẽ chết mệt thôi.

…Vậy thì?

Vâng, vậy thì, hạnh phúc không phải luôn là hạnh phúc, đạt được cái gì đó, chẳng hạn bằng giỏi sau tốt nghiệp cao đẳng, đại học có thể là một tai họa với bạn – vì để đạt được nó bạn đã phải hy sinh nhiều cái khác. Nhưng điều đó không luôn luôn đúng, nó vẫn có thể là hạnh phúc thực sự với ai đó. Thế thì cái gì là tiêu chuẩn?

Tiêu chuẩn chính là bản thân, hãy cố gắng cảm nhận đâu là điều mình thức sự cần, và hãy cảm nhận đâu là giới hạn của mình, đừng để mọi thứ làm lóa mắt. Đừng để ham muốn đẩy bạn đi quá xa. Nó như tập thể dục, nếu tập vừa phải thì tốt hơn là quá sức và không tập gì – nhớ quy tắc trung bình, ở giữa.

…Hay nhỉ, bạn nói cứ như thể là…thế sao người viết vẫn không hạnh phúc nào?

Vì chứng hay quên! chúng ta có thể lập luận hay, nhưng chúng ta chẳng làm theo cái mình nói, có một cái mạnh hơn logic của chúng ta – đó là cảm xúc, và ham muốn là cảm xúc, nó rất mạnh. Thế thì chúng ta bất lực hay sao, chẳng nhẽ chúng ta đành chấp nhận cái hoàn cảnh khốn khổ của mình.

Mỗi khoảnh khắc là một thử thách kinh hồn!

Nó vậy đấy, nếu bạn quên, ham muốn sẽ chi phối, và bạn lại chìm ngập trong bất an, ham muốn nó cứ nổi lên tự nhiên như là sóng vỗ, chẳng cần bạn muốn hay không, nó có sẵn trong người rồi, và chỉ hớ hênh một chút thôi, bạn sẽ lại chạy theo nó, làm những gì nó xui khiến. Có vẻ thoải mái lúc đầu – nhưng khốn khổ về sau.

…Vô lý, tại sao ham muốn như thế gây đau mà tôi cứ làm theo nó vậy?

Thực tình thì nó không hoàn toàn đau hay không đau, ham muốn luôn là một ẩn số, nếu biết cách điều phối chúng ta sẽ thành công trong cuộc sống, bạn không thể trở thành một người lao động giỏi nếu bạn không có chút ham muốn nào, thế nhưng cái bẫy của ham muốn là nữa và nữa, nữa…

Do vậy, cơ may duy nhất là hãy tỉnh táo, sống tỉnh táo, bạn sẽ biết giới hạn của mình và điều gì mình thực sự cần, ham muốn, nhưng đừng để nó đi quá xa, như vậy là cách cân bằng để chúng ta sống trong thế giới này một cách ổn thỏa mà không phải khốn khổ tâm thần.

Ôi bạn Đức Anh, liệu bạn có thể tỉnh táo mỗi giây phút hay không?